Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Hỏi – đáp pháp luật về phòng chống mua bán người (Phần 1)
Lượt xem: 109

Hỏi – đáp pháp luật về phòng chống mua bán người 

 

    1. Luật Phòng, chống mua bán người quy định những hành vi nào bị nghiêm cấm? Người có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khoá XII thông qua tại kỳ họp thứ  9 ngày 29/3/2011. Luật gồm 8 chương, 58 điều. Điều 3 của Luật quy định 12 nhóm hành vi bị nghiêm cấm như sau:

1. Mua bán người theo quy định tại Điều 119 và Điều 120 của Bộ luật hình sự.

2. Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.

3. Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác hoặc để thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Cưỡng bức người khác thực hiện một trong các hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

5. Môi giới để người khác thực hiện một trong các hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

6. Trả thù, đe dọa trả thù nạn nhân, người làm chứng, người tố giác, người tố cáo, người thân thích của họ hoặc người ngăn chặn hành vi quy định tại Điều này.

7. Lợi dụng hoạt động phòng, chống mua bán người để trục lợi, thực hiện các hành vi trái pháp luật.

8. Cản trở việc tố giác, tố cáo, khai báo và xử lý hành vi quy định tại Điều này.

9. Kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân.

10. Tiết lộ thông tin về nạn nhân khi chưa có sự đồng ý của họ hoặc người đại diện hợp pháp của nạn nhân.

11. Giả mạo là nạn nhân.

12. Hành vi khác vi phạm các quy định của Luật này.

Người thực hiện hành vi vi phạm các quy định cấm nêu trên, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

    2.  Đề nghị cho biết Luật Phòng, chống mua bán người quy định nguyên tắc phòng, chống mua bán người như thế nào?

Trả lời:

Nguyên tắc phòng, chống mua bán người được quy định tại Điều 4 Luật Phòng, chống mua bán người, gồm 05 nguyên tắc cơ bản sau:

1. Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến mua bán người.

2. Giải cứu, bảo vệ, tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ nạn nhân kịp thời, chính xác. Tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với nạn nhân.

3. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống mua bán người.

4. Ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời, chính xác hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến mua bán người.

5.   Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và pháp luật, tập quán quốc tế.

    3. Nhà nước thực hiện chính sách gì để ngăn chặn, đấu tranh chống mua bán người?

Trả lời:

Mua, bán người là hành vi vô nhân đạo, coi con người như một món hàng hoá để trao đổi, khai thác, sinh lợi, một tội ác cần lên án, đấu tranh. Để ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống mua bán người, Nhà nước thực hiện các chính sách sau:

1. Xác định phòng, chống mua bán người là nội dung của chương trình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và được kết hợp với việc thực hiện các chương trình khác về phát triển kinh tế - xã hội.

2. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tham gia, hợp tác, tài trợ cho hoạt động phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân; khuyến khích cá nhân, tổ chức trong nước thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật.

3. Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống mua bán người; bảo đảm chế độ, chính sách đối với người tham gia phòng, chống mua bán người bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản theo quy định của pháp luật.

4. Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người.

Đồng thời, để công tác phòng, chống mua bán người đạt hiệu quả, Nhà nước thực hiện hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia và tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người.

     4. Nạn nhân bị mua  bán  có những quyền và nghĩa vụ gì?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 6 Luật phòng, chống mua bán người, nạn nhân có những quyền và nghĩa vụ sau:

1. Đề nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ mình, người thân thích khi bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản.

2. Được hưởng các chế độ hỗ trợ và được bảo vệ theo quy định của Luật này.

3. Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

4. Cung cấp thông tin liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.

5. Thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến vụ việc mua bán người.

anh tin bai

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam).

    5. Để phòng ngừa mua bán người, pháp luật quy định như thế nào về quản lý an ninh, trật tự ?

Trả lời:

Để ngăn ngừa đối tượng thực hiện hành vi mua bán người, Điều 9 Luật Phòng, chống mua bán người quy định công tác quản lý về an ninh, trật tự như sau:

1.   Theo dõi nhân khẩu, hộ khẩu thông qua công tác quản lý cư trú, tăng cường kiểm tra nhân khẩu thường trú, tạm trú, lưu trú, tạm vắng trên địa bàn.

2.   Giám sát các đối tượng có tiền án, tiền sự về mua bán người và các đối tượng khác có dấu hiệu thực hiện hành vi mua bán người.

3. Quản lý và sử dụng có hiệu quả các thông tin về tàng thư, căn cước, lý lịch tư pháp phục vụ công tác phòng, chống mua bán người.

4. Tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các cửa khẩu, khu vực biên giới, hải đảo và trên biển nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán người.

5. Trang bị các phương tiện kỹ thuật tại các cửa khẩu quốc tế phục vụ cho việc nhận dạng người và phát hiện nhanh chóng, chính xác các loại giấy tờ, tài liệu giả mạo; nâng cấp các trang thiết bị kiểm soát, kiểm tra tại các chốt kiểm soát, cửa khẩu.

6. Quản lý công tác cấp giấy tờ tùy thân, giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc làm, cấp phát, quản lý và kiểm soát các loại giấy tờ tùy thân và giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh.

7. Phối hợp với các cơ quan chức năng của nước có chung đường biên giới trong việc tuần tra, kiểm soát biên giới nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán người.

    6. Đề nghị cho biết pháp luật quy định về việc quản lý các hoạt động kinh doanh, dịch vụ như thế nào nhằm ngăn ngừa việc lợi dụng các hoạt động này vào mục đích mua bán người?

Trả lời:

Đối tượng mua bán người thường lợi dụng việc cho, nhận con nuôi; giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động; kết hôn với người nước ngoài; tham quan, du lịch… để lừa bán nạn nhân nhằm bóc lột tình dục hoặc cưỡng bức lao động.

Để ngăn chặn việc lợi dụng các hoạt động kinh doanh, dịch vụ này vào mục đích mua bán người, Điều 10 Luật Phòng, chống mua bán người quy định các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền phải thường xuyên kiểm tra, quản lý chặt chẽ các hoạt động hỗ trợ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, cho, nhận con nuôi, giới thiệu việc làm, đưa người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, dịch vụ văn hoá, du lịch và các hoạt động kinh doanh, dịch vụ có điều kiện khác dễ bị lợi dụng nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi mua bán người.

Lã Trang (t/h)

 

TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIAO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH CAO BẰNG
Thành phần của Cổng thông tin điện tử tỉnh Cao Bằng
Địa chỉ: Đường Bế Văn Đàn - Phường Hợp Giang - Thành phố Cao Bằng - Tỉnh Cao Bằng
Email: tuphap@caobang.gov.vn - Điện Thoại: (02063) - 852 443
Chịu trách nhiệm cổng thành phần: Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cao Bằng
Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử Cao Bằng (hoặc http://caobang.gov.vn) khi trích dẫn thông tin từ địa chỉ này.
ipv6 ready