Ngày 26/11/2024, Quốc hội khoá XV tại Kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật Công chứng và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2025. Luật Công chứng năm 2024 gồm 08 chương 76 Điều (giảm 02 chương và 05 điều so với Luật Công chứng năm 2014), với các nội dung mới cơ bản sau đây:
1. Về phạm vi công chứng và thẩm quyền của công chứng viên
Trước hết, Luật Công chứng năm 2024 đã khẳng định rõ công chứng là dịch vụ công, Nhà nước ủy nhiệm cho công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng thực hiện.
Đồng thời, bổ sung quy định nhằm xác định rõ việc hành nghề công chứng là việc công chứng viên thực hiện việc công chứng giao dịch (khoản 5 Điều 2). Như vậy, mặc dù công chứng viên được giao thực hiện một số việc chứng thực nhưng nếu công chứng viên không thực hiện việc công chứng giao dịch mà chỉ thực hiện việc chứng thực thì vẫn không được tính là hành nghề công chứng. Đây là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, xác minh, xem xét xử lý vi phạm trong quá trình hành nghề của công chứng viên.
2. Quy định về công chứng viên
Để nâng cao chất lượng đầu vào, nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong hoạt động công chứng, bảo đảm hiệu quả hoạt động và sự phát triển bền vững của đội ngũ công chứng viên, Luật Công chứng năm 2024 bỏ quy định về miễn đào tạo nghề công chứng, thay vào đó tất cả các đối tượng muốn bổ nhiệm công chứng viên đều phải tham gia đào tạo nghề công chứng, tuy nhiên có giảm 1/2 thời gian đào tạo nghề công chứng đối với một số đối tượng có trình độ pháp luật cao, có thời gian giữ một số chức danh pháp lý cụ thể. Quy định tất cả các đối tượng đều phải tập sự 12 tháng mà không xác định 02 loại thời gian tập sự (06 tháng và 12 tháng) như Luật Công chứng năm 2014. Bổ sung quy định chỉ được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên cho người không quá 70 tuổi và công chứng viên chỉ được hành nghề cho đến khi tròn 70 tuổi, theo đó công chứng viên quá 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là 02 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành; công chứng viên từ đủ 68 đến đủ 70 tuổi tại ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được hành nghề công chứng đến khi đủ 72 tuổi.
Bên cạnh đó, Luật Công chứng năm 2024 cũng bổ sung một số quy định về quyền và nghĩa vụ của công chứng viên nhằm làm rõ quyền và nâng cao trách nhiệm của công chứng viên; bổ sung quyền chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký cá nhân, chứng thực chữ ký người dịch, quyền khai thác, sử dụng thông tin từ các cơ sở dữ liệu theo quy định pháp luật để thực hiện việc công chứng; quy định nghĩa vụ duy trì tư cách hội viên Hội công chứng viên trong suốt quá trình hành nghề công chứng tại địa phương đó.
3. Quy định về hành nghề công chứng
Bổ sung 01 hình thức hành nghề mới là công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại phòng công chứng để tạo thêm cơ hội hành nghề cho công chứng viên, vừa giúp các phòng công chứng giải quyết khó khăn trong việc bổ sung công chứng viên cho đơn vị mình trước yêu cầu tinh gọn bộ máy, không phát sinh biên chế cho các đơn vị sự nghiệp công lập.
Quy định rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã chuyển đổi, chuyển nhượng, hợp nhất, sáp nhập và trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã giải thể, chấm dứt hoạt động nhằm cá thể hóa và nâng cao ý thức trách nhiệm cho cả tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên và cá nhân có liên quan.
Hoàng Đạt