Một số kết quả đạt được trong thực hiện Tiểu Dự án 2 Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS&MN năm 2024 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
09/01/2025
Lượt xem: 96
Năm 2024, dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị và UBND các huyện, thành phố thực hiện hiệu quả công tác Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 9 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giúp người dân nâng cao hiểu biết pháp luật về Luật hôn nhân gia đình, Luật bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, có nhận thức đầy đủ hơn về hậu quả, hệ luỵ của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đối với cá nhân, gia đình và xã hội. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện được giao nguồn vốn đã triển khai thực hiện có hiệu quả với nhiều nội dung, hình thức đa đạng, phong phú. Công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn được thực hiện thường xuyên, chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các mô hình điểm, truyên truyền, vận động, phát hiện kịp thời các đối tượng có nguy cơ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.
Trong năm, phát sinh 95 cặp tảo hôn xảy ra tại các huyện: Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hà Quảng, Hạ Lang, Hoà An (giảm 01 cặp so với năm 2023); không xảy ra tình trạng kết hôn cận huyết thống tại các địa phương. Đến ngày 15/12/2024, toàn tỉnh đã thực hiện giải ngân được 5.867,869 triệu đồng/12.255,125 triệu đồng, đạt 48% KH. Công tác triển khai thực hiện đạt được một số kết quả nổi bật như sau:

Đồng chí Hà Văn Vui, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh trao giải nhất cho thí sinh.
Về truyền thông nâng cao nhận thức: tổ chức 77 hội thi tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các xã, trường học với 14.105 người tham gia, trong đó: Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 26 Hội thi Rung chuông vàng tại các trường THPT, THCS, PTDTBT THCS, PTDTBT TH&THCS tại 08 huyện (Bảo Lạc, Bảo Lâm, Nguyên Bình, Hoà An, Hạ Lang, Thạch An, Quảng Hoà) với 6.296 học sinh tham gia; các huyện tổ chức 25 Hội thi bằng hình thức sân khấu hoá tại các xã với 2.641 người tham gia; 26 Hội thi tuyên truyền bằng hình thức Rung chuông vàng, sân khấu hoá tại các trường học với 5.168 học sinh tham gia. Tổ chức 198 hội nghị tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS&MN cho các đối tượng Bí thư, Trưởng xóm, người có uy tín, đoàn viên, thanh niên, học sinh, người dân vùng dân tộc thiểu số với trên 13.351 đại biểu tham dự; thực hiện tuyên truyền trên Báo, Đài địa phương; in, cấp phát 2.105 tờ rơi tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh; lắp đặt 32 Pano tại 32 xã trên địa bàn tỉnh có nguy cơ xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; thực hiện lồng ghép tuyên truyền tại 65 hội nghị, cuộc họp tại xóm cho 4.948 đại biểu. Phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp tổ chức 02 phiên tòa giả định tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại huyện Nguyên Bình.
Về bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức công tác dân tộc, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật: Tổ chức 18 hội nghị tâp huấn cho 1.657 đối tượng là học sinh, thanh niên, người dân vùng dân tộc thiểu số; 02 đoàn đại biểu đi học tập, trao đổi kinh nghiệm về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh; Sơn La, Điện Biên, Lào Cai.
Về hoạt động tăng cường các hoạt động tư vấn, can thiệp lồng ghép với các chương trình, dự án, mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em, dân số kế hoạch hóa gia đình, dinh dưỡng, phát triển thể chất có liên quan trong lĩnh vực hôn nhân nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống: tổ chức chiến dịch truyền thông về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và nâng cao chất lượng dân số cho Ban chỉ đạo công tác dân số xã, các đoàn thể của xóm, vị thành niên, thanh niên, phụ nữ, nam giới với 140 người tham dự; phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Cao Bằng sản xuất, biên tập, đăng tải, phát sóng các thông điệp truyền thông về hôn nhân, gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; cấp 1.630 sổ tay Phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho cán bộ không chuyên trách phụ trách công tác dân số xã, phường, thị trấn và nhân viên Y tế thông bản kiêm cộng tác viên dân số để sử dụng khi tư vấn, can thiệp lồng ghép về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; 40 cuộc truyền thông, tư vấn, nói chuyện chuyên đề về sức khỏe sinh sản, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho 4.324 học sinh tại 40 trường học trên địa bàn tỉnh; 105 cuộc nói chuyện chuyên đề về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, lồng ghép phổ biến kiến thức về nâng cao chất lượng dân số cho 11.078 người dân tại các xã vùng III, tập trung chủ yếu tại các xóm, xã, địa bàn còn tồn tại tảo hôn hoặc hôn nhân cận huyết thống.
Về tình hình duy trì mô hình tại các xã/huyện/trường có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao: tiếp tục duy trì 14 mô hình giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã xây dựng; xây dựng thêm 02 mô hình tại xã Xuân Trường, xã Khánh Xuân thuộc huyện Bảo Lạc.
Trong năm qua, công tác giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh được cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm tổ chức thực hiện và đã đạt được một số kết quả nhất định. Thông qua các hoạt động nêu trên giúp người dân có sự thay đổi trong hành vi và là những biện pháp tích cực góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống trên địa bàn tỉnh.
Đào Thị Thuý (Ban Dân tộc tỉnh)
|