Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền cho các dân tộc thiểu số trong xoá đói giảm nghèo
Lượt xem: 117

Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới, có nhiều dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, còn ảnh hưởng nhiều của các quan hệ truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của mỗi dân tộc; người dân còn thiếu thông tin, khả năng nhận thức và hiểu biết pháp luật không đồng đều. Do vậy, việc tuyên truyền chính sách, pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm nhất là công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN).

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản nhằm thúc đẩy công tác PBGDPL, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và hệ thống pháp luật của Nhà nước, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 về Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Trong đó, Dự án 10 dành cho công tác truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS&MN.

Cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL cho đồng bào DTTS&MN đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần làm chuyển biến dần về nhận thức, kiến thức pháp luật cho người dân ở vùng DTTS, miền núi, cụ thể:

- Cấp tỉnh: Tổ chức 48 hội nghị tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS với 3.738 lượt đại biểu tham gia; 189 hội nghị phổ biến pháp luật cho cán bộ, công chức và nhân dân tại các xã, xóm với 12.388 lượt người tham dự. Phối hợp với Báo Cao Bằng xây dựng 01 banner về tuyên truyền Chương trình, phát hành 03 chuyên trang và 38 chuyên mục về công tác dân  tộc;  Phối hợp với Báo Dân tộc và phát triển, Đài phát thanh - Truyền hình Cao Bằng thực hiện tuyên truyền được 45 chuyên mục phát thanh, 45 chuyên mục truyền hình; 59 bài, 40 tin và 178 ảnh tuyên truyền trên báo Dân tộc và Phát triển.Tổ chức 09 cuộc tuyên truyền thông tin đối ngoại cho 861 người là cán  bộ, công  chức huyện, xã và người có uy tín trên địa bàn tỉnh. Xây dựng chuyên mục trên Trang Thông tin đối ngoại của tỉnh với các tin, bài có nội dung tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của pháp luật về thực hiện công tác đối ngoại; bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số và miền núi gắn với phát triển du lịch.

anh tin bai

 

Đồng bào dân tộc thiểu số xã Hồng Sỹ (huyện Hà Quảng) tham dự Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật do Sở Tư pháp tổ chức.

Ảnh: Hoàng Kiên

- Cấp huyện: tổ chức 14 hội nghị tuyên truyền, PBGDPL và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS&MN tại các xã; 03 phóng sự tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; 15 file tuyên truyền, bài chuyên mục phát thanh trên hệ thống truyền thanh và xe lưu động đến các xóm, điểm chợ.

Ngoài ra, công tác PBGDPL, tăng cường nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp pháp lý cho vùng đồng bào DTTS&MN cũng được chú trọng triển khai. Toàn tỉnh đã tổ chức được 135 hội nghị tuyên truyền nâng cao nhận thức về trợ giúp pháp lý cho cán bộ, công chức cấp huyện, xã, những người tham gia công việc của xóm, tổ dân phố và đông đảo người dân với gần 7.300 lượt người tham gia.

Các cấp chính quyền trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em (như: tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng liên quan đến thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em) với 17.153 lượt người tham gia; 80 hội nghị, tập huấn tuyên truyền trực tiếp cho hơn 5.000 lượt người tham gia (gồm các vị thành niên, thanh niên người DTTS, học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú); 125 buổi ngoại khoá, nói chuyện chuyên đề về sức khoẻ sinh sản, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho 11.363 lượt người tham gia (là các đoàn viên, thanh niên sinh sống tại các xóm thuộc xã biên giới, xã vùng III, học sinh, giáo viên các trường phổ thông dân tộc nội trú); 25 cuộc thi “Rung chuông vàng” tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thu hút trên 5.000 em học sinh tham gia; cấp phát 35.500 tờ rơi tuyên truyền… Với nội dung tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình đã nâng cao hiểu biết, ý thức trách nhiệm của các em học sinh trong việc chấp hành luật, giáo dục cho thế hệ trẻ về các tác hại của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS, chú trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát huy truyền thống văn hoá gia đình.

Các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thanh, truyền hình tỉnh, địa phương tích cực đăng tải, thông tin các nội dung hoạt động, văn bản cập nhật tình hình, kết quả thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình trên trang thông tin điện tử của tỉnh, huyện và các cơ quan, đơn vị; tăng cường đưa các tin, bài trên các chuyên trang, chuyên mục, kịp thời đưa tin về những mô hình hay, những gương điển hình tiên tiến trong thực hiện chính sách dân tộc nói chung và Chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng… để nhân dân, cộng đồng biết và chủ động, tích cực, sáng tạo, tạo động lực cùng tham gia thực hiện.

Cùng với việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ít người, luôn được chú ý lựa chọn những văn bản  phù hợp, thiết thực, gắn liền với đời sống của đồng bào như: Luật Hôn nhân gia đình; Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo; Ba văn kiện pháp lý về quản lý biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc (Nghị định thư về phân giới cắm mốc; Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới; Hiệp định về cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu); Bộ luật Dân sự…

Với nhiều hoạt động thường xuyên, dưới nhiều hình thức, cách làm phù hợp với vùng đồng bào các dân tộc. Công tác tuyên truyền phổ biến chính sách và pháp luật đối với đồng bào dân tộc ngày càng được nâng cao và mang lại hiệu quả thiết thực. Đồng bào các dân tộc được tiếp cận với các chính sách, nâng cao nhận thức về pháp luật; có ý thức vươn lên, khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất ổn định cuộc sống, phấn đấu thoát khỏi đói nghèo, mọi mặt đời sống, kinh tế, văn hoá, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng làng, bản dân cư văn hoá.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, PBGDPL cho đồng bào DTTS&MN chưa đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra, nhận thức pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế. Ở một số địa phương vẫn còn xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật như tảo hôn, buôn bán người, ma túy… Hình thức tuyên truyền chưa thích hợp với từng địa bàn, điều kiện sống của người dân, nội dung pháp luật tuyên truyền, phổ biến chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa sát với đặc điểm vùng DTTS&MN. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn thiếu, nhất là cán bộ, công chức người DTTS, biết tiếng dân tộc; kỹ năng, nghiệp vụ, phương pháp tuyên truyền còn nhiều hạn chế. Sự phối hợp giữa các cơ quan làm công tác tuyên truyền cho vùng DTTS&MN còn những hạn chế nhất định.

Đnâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, các cấp ủy, chính quyền cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo sự phối hợp liên ngành từ tỉnh đến cơ sở để thực hiện tốt các mục tiêu đã đặt ra. Đẩy mạnh công tác truyền thông phù hợp với văn hóa, ngôn ngữ dân tộc để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào các dân tộc thiểu số về định hướng, chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác Dân tộc và khối đại đoàn kết toàn Dân tộc. Phát huy vai trò của người có uy tín tham gia tuyên truyền, vận động thực hiện chương trình. Tăng cường sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc, tôn giáo, quốc phòng an ninh, phòng chống tội phạm, chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, bảo tồn phát triển bản sắc văn hóa dân tộc.

Báo cáo viên, tuyên truyên viên và người trực tiếp tham gia PBGDPL cần hiểu rõ về đặc điểm, văn hóa, phong tục, tập quán, trình độ dân trí cũng như truyền thống của vùng miền để có phương pháp PBGDPL phù hợp. Kết hợp giữa PBGDPL với giáo dục đạo đức, văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào DTTS./.

Đào Thị Thúy- Ban Dân tộc

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIAO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH CAO BẰNG
Thành phần của Cổng thông tin điện tử tỉnh Cao Bằng
Địa chỉ: Đường Bế Văn Đàn - Phường Hợp Giang - Thành phố Cao Bằng - Tỉnh Cao Bằng
Email: tuphap@caobang.gov.vn - Điện Thoại: (02063) - 852 443
Chịu trách nhiệm cổng thành phần: Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cao Bằng
Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử Cao Bằng (hoặc http://caobang.gov.vn) khi trích dẫn thông tin từ địa chỉ này.
ipv6 ready