Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân
Lượt xem: 171

Ngày 11 tháng 8 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 977/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” (gọi tắt là Đề án).

 Khái niệm “năng lực tiếp cận pháp luật” có nhiều cách hiểu khác nhau. Trong phạm vi Đề án, “năng lực tiếp cận pháp luật” có thể hiểu là việc người dân tiếp cận với các thông tin pháp luật một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời, thuận lợi. Nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân nghĩa là nâng cao khả năng từ tiếp cận thông tin pháp luật đến kỹ năng sử dụng, khai thác thông tin pháp luật đó theo nhu cầu của người dân.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc nâng cao hiểu biết pháp luật, khả năng sử dụng pháp luật để thực hiện, bảo vệ các quyền, lợi ích của người dân và xã hội. Một số văn bản quan trọng nêu rõ phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp nhằm công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với chủ trương, chính sách, pháp luật. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 nhấn mạnhbảo đảm công khai, minh bạch thông tin, quyền được thông tin và cơ hội tiếp cận thông tin của nhân dân…. Tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân và doanh nghiệp”. Kết luận số 80/KL-TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân đã đặt ra một số nội dung quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó “phát huy sự tham gia chủ động, tích cực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và của mọi người dân trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật”. Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật yêu cầu các bộ, ngành, địa phương “chú trọng phổ biến, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật và tuân thủ pháp luật”.

Thực tiễn cho thấy, các cơ quan nhà nước đã tích cực, chủ động thực hiện trách nhiệm và nhiệm vụ theo quy định của pháp luật như Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Tiếp cận thông tin….nhằm bảo đảm cho người dân tiếp cận pháp luật. Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật đã được xây dựng, giúp cho người dân tìm kiếm, tra cứu, khai thác thông tin, pháp luật được thuận tiện. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận pháp luật trong quá trình tiếp nhận, giải quyết nhiệm vụ và công việc. Người dân ngày càng quan tâm đến việc tiếp cận, tìm hiểu pháp luật để phục vụ nhu cầu của bản thân và xã hội, nhất là trong các lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp trong đời sống, công việc. Cùng với sự phát triển của mạng xã hội như facebook, zalo với thiết bị di động thông minh, một bộ phận người dân có kỹ năng tìm kiếm, khai thác, tra cứu, vận dụng, sử dụng pháp luật và mức độ sử dụng công nghệ thông tin ngày càng cao.

Tuy nhiên một bộ phận người dân, trong đó có các nhóm đặc thù, yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhận thức chưa đầy đủ về quyền tiếp cận thông tin, vẫn còn tâm lý e ngại khi cần yêu cầu cung cấp thông tin. Việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận pháp luật kịp thời, nhanh chóng chưa được đẩy mạnh. Các nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân chủ yếu tập trung thông tin, phổ biến về pháp luật mà chưa chú trọng nâng cao năng lực sử dụng pháp luật và tự bảo vệ quyền cho người dân.

Quyết định số 977/QĐ-TTg ngày 11 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” là một trong những giải pháp quan trọng để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhằm hướng đến mục tiêu cao nhất là nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân.

 

anh tin bai

Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bảo Lâm tìm hiểu văn bản pháp luật.

(Ảnh: Phương Bình)

Với quan điểm chỉ đạo là quán triệt, triển khai kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội và các tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận pháp luật, đặc biệt là đối tượng đặc thù, trẻ em, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Mục tiêu tổng quát là xây dựng, tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả, toàn diện các giải pháp, nhiệm vụ nhằm tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tuân theo pháp luật, sử dụng pháp luật của người dân để thực hiện quyền, bảo vệ lợi ích hợp pháp, hình thành thói quen, văn hóa sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đề án đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện Đề án trong phạm vi cả nước từ năm 2023 đến năm 2030 và giao trách nhiệm cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thông tin đại chúng, báo chí ở Trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh...thực hiện Đề án.

anh tin bai

 

 

Hội nghị truyền thông về trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Sở Tư pháp tổ chức tại xóm Nà Hôm, xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm tháng 12/2022.

(Ảnh: Hoàng Kiên)

 

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã ban hành Kế hoạch số 2371/KH-UBND ngày 15 tháng 9 năm 2022 thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Theo đó, Kế hoạch đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hình thành thói quen tìm hiểu, sử dụng và tuân theo pháp luật của người dân; Nâng cao năng lực, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện; Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật; Đầu tư, hỗ trợ nguồn lực, công nghệ thông tin bảo đảm cho các hoạt động phục vụ yêu cầu tiếp cận pháp luật của người dân của các cơ quan, tổ chức. Đồng thời, giao Sở Tư pháp là cơ quan chủ trì, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tham mưu sơ kết, tổng kết thực hiện Đề án; các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ tình hình thực tiễn tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch và báo cáo tình hình, kết quả thực hiện theo quy định.

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, hy vọng rằng việc thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” sẽ đạt được mục tiêu cao nhất là tạo điều kiện tối đa cho người dân tiếp cận pháp luật, góp phần quan trọng nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân./

                                                                                                                                                              Phương Bình

                                                                                                                                                     Phòng XDVB&PBGDPL

 

 

 

 

Tin khác
1 2 3 4 
TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIAO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH CAO BẰNG
Thành phần của Cổng thông tin điện tử tỉnh Cao Bằng
Địa chỉ: Đường Bế Văn Đàn - Phường Hợp Giang - Thành phố Cao Bằng - Tỉnh Cao Bằng
Email: tuphap@caobang.gov.vn - Điện Thoại: (02063) - 852 443
Chịu trách nhiệm cổng thành phần: Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cao Bằng
Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử Cao Bằng (hoặc http://caobang.gov.vn) khi trích dẫn thông tin từ địa chỉ này.
ipv6 ready