Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Kết quả 10 năm triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; nhiệm vụ thời gian tới
Lượt xem: 75
Luật Hòa giải ở cơ sở được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2013, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2014. Luật Hòa giải ở cơ sở (gọi tắt là Luật) ra đời đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động hòa giải ở cơ sở được triển khai thống nhất và hiệu quả, tạo bước chuyển biến trong công tác hòa giải ở cơ sở. Qua 10 năm triển khai thực hiện Luật, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giải quyết kịp thời các vi phạm pháp luật v&

Để triển khai thực hiện Luật có hiệu quả, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3690/KH-UBND ngày 16/12/2013 về triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; tổ chức phổ biến, quán triệt các nội dung của Luật bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của 475 đại biểu tại các điểm cầu. Các huyện, thành phố đã tổ chức 2.043 hội nghị phổ biến, quán triệt tại cấp huyện và cấp xã với 297.212 lượt người tham dự. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành đã tổ chức quán triệt, phổ biến các nội dung của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành bằng nhiều hình thức như: đăng tải trên Trang thông tin điện tử; qua hệ thống truyền thanh cơ sở; qua các cuộc họp, hội nghị...

Nhằm đảm bảo nguồn lực, nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 34/2017/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 quy định một số mức chi thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Đặc biệt, để kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 15/02/2022 về việc tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Một trong những nội dung trọng tâm của Chỉ thị số 04/CT-UBND là Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức hòa giải ở cơ sở”, theo đó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố có trách nhiệm tham mưu, giúp UBND cùng cấp chỉ đạo, hướng dẫn việc củng cố, kiện toàn về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, đảm bảo hoạt động hiệu quả, đúng quy định. Kết quả, đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.462 Tổ hòa giải, với 7.992 Hòa giải viên. Mỗi Tổ hòa giải có từ 03 thành viên trở lên với thành phần gồm: Bí thư Chi bộ, đại diện các đoàn thể ở cơ sở, Trưởng ban công tác Mặt trận và những người có uy tín, tiêu biểu... Đội ngũ hòa giải viên đều là những người có uy tín trong cộng đồng dân cư và có khả năng vận động, thuyết phục Nhân dân, có tinh thần trách nhiệm và tâm huyết với công tác hòa giải ở cơ sở.  Từ năm 2014 đến nay, các Tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận, hòa giải 9.103 vụ, việc; trong đó có 5.820 vụ, việc hòa giải thành (chiếm tỷ lệ 64%), qua đó đã hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết những vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ trong Nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp, tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan nhà nước và công dân. 

          Nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên, Sở Tư pháp đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 2876/KH-UBND ngày 19/8/1019 về thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Trên cơ sở đó, hàng năm Sở Tư pháp đã chủ trì tổ chức và hướng dẫn Phòng Tư pháp cấp huyện tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho các hòa giải viên. Kết quả, từ khi thực hiện Luật đến nay Sở Tư pháp đã chủ trì, phối hợp tổ chức 59 hội nghị tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hơn 6.019 lượt đại biểu là công chức tham mưu thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; các hòa giải viên thuộc các tổ hòa giải; người có uy tín trong cộng đồng dân cư; các huyện, thành phố đã tổ chức được 41 hội nghị với 6.801 lượt người tham dự. Cấp phát 199 cuốn Sổ tay pháp luật về hòa giải ở cơ sở”, 230 cuốn Luật Hòa giải ở cơ sở, 2.300 cuốn “Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ công tác hòa giải ở cơ sở” cho các tổ hòa giải, hòa giải viên...

anh tin bai

Hội nghị bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở tại huyện Hạ Lang. (Ảnh: Phương Bình)

Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức 02 Hội thi hòa giải viên giỏi (năm 2016 và năm 2022) với sự tham gia của hòa giải viên đến từ đội thi của các huyện, thành phố trong tỉnh. Cuộc thi được tổ chức dưới hình thức sân khấu hóa với nội dung liên quan đến các quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, nghiệp vụ hòa giải theo Luật Hòa giải ở cơ sở; các văn bản pháp luật về dân sự, hình sự, đất đai, xử lý vi phạm hành chính, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực về gia đình; phòng chống mua, bán người; pháp luật về giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường...và  kỹ năng hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở.  Qua hội thi, các hòa giải viên được tham gia học hỏi, trao đổi, trau dồi kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở.

anh tin bai

Ban Tổ chức trao cờ lưu niệm cho các đội tham gia Hội thi hòa giải viên giỏi tỉnh Cao Bằng năm 2022. (Ảnh: http://caobangtv.vn/)

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số đơn vị, địa phương chưa phát huy trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về công tác hòa giải cơ sở; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị  liên quan trong thực hiện nhiệm vụ hòa giải ở cơ sở đôi lúc còn thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ; một số Tổ hòa giải hoạt động còn mang tính hình thức, chất lượng, hiệu quả chưa cao; kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở rất ít, đa số các đơn vị cấp xã chưa quan tâm, bố trí kinh phí hỗ trợ cho các Tổ hòa giải và Hòa giải viên theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, do vậy đã ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh.

Để khắc phục những hạn chế còn tồn tại, nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

(i) Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của các ngành, địa phương về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở; các quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các Đề án, Chương trình phối hợp có liên quan đến công tác hoà giải ở cơ sở.

(ii) Xây dựng, ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định nội dung chi,mức chi bảo đảm cho công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh theo quy định của Thông tư số 56/2023/TT-BTC ngày 18/8/2023 của Bộ Tài chính quy định về việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí đảm bảo cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hoà giải ở cơ sở.

(iii) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan Tư pháp trong công tác hòa giải ở cơ sở. Phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp trong công tác hòa giải ở cơ sở.

(iv) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cần quan tâm bố trí kinh phí và chỉ đạo UBND các xã, thị trấn bố trí kinh phí cho công tác hòa  giải ở cơ sở trong dự toán ngân sách Nhà nước được giao hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, các văn bản hướng dẫn thi hành.

(v) Thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn tổ hoà giải. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải và cung cấp tài liệu cho đội ngũ tập huấn viên và đội ngũ hoà giải viên.

(vi) Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

                                                                         Tuyết Mai

TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIAO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH CAO BẰNG
Thành phần của Cổng thông tin điện tử tỉnh Cao Bằng
Địa chỉ: Đường Bế Văn Đàn - Phường Hợp Giang - Thành phố Cao Bằng - Tỉnh Cao Bằng
Email: tuphap@caobang.gov.vn - Điện Thoại: (02063) - 852 443
Chịu trách nhiệm cổng thành phần: Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cao Bằng
Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử Cao Bằng (hoặc http://caobang.gov.vn) khi trích dẫn thông tin từ địa chỉ này.
ipv6 ready