Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản
Lượt xem: 100

       Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 17/11/2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2017. Sau hơn 05 năm triển khai thực hiện, Luật Đấu giá tài sản đã đạt nhiều kết quả cụ thể, đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý về đấu giá tài sản, góp phần giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong việc xử lý tài sản, đặc biệt là tài sản công; hoạt động đấu giá tài sản từng bước được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa một cách mạnh mẽ; hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật đã phát sinh một số vấn đề mới chưa được Luật Đấu giá tài sản điều chỉnh; một số quy định của Luật đã bộc lộ hạn chế, bất cập cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với một số loại tài sản đấu giá có tính chất đặc thù.

         Do đó, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (Luật) là cần thiết nhằm tiếp tục thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về xã hội hoá, chuyển đổi số, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, khách quan, tính bền vững của hoạt động đấu giá; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động bán đấu giá tài sản, cũng như công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản. 

anh tin bai
 
                                                                                                       Ảnh: baochinhphu.vn

           Quan điểm xây dựng Luật

         (1) Tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy vai trò của hoạt động đấu giá trong phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, chuyển đổi số, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

     (2) Hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản theo hướng chặt chẽ, công khai, minh bạch, áp dụng thống nhất cho các loại tài sản đấu giá, nhưng vẫn đảm bảo tính đặc thù của một số loại tài sản cụ thể trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Đấu giá tài sản; nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản; tăng cường trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan; khắc phục những tồn tại, bất cập của hoạt động đấu giá tài sản hiện nay.

         (3) Bảo đảm sự quản lý thống nhất, hiệu quả của Nhà nước đối với tổ chức và hoạt động đấu giá tài sản; phân công, phân nhiệm rõ ràng, tạo cơ chế phối hợp hiệu quả trong quản lý nhà nước về đấu giá tài sản giữa nhà nước với tổ chức xã hội - nghề nghiệp của đấu giá viên.

         (4) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần thực hiện việc chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản theo lộ trình phù hợp.

         Phạm vi sửa đổi

         Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản vẫn giữ nguyên một số quy định đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn về đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản và quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá.

         Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung các quy định: (1) về tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, điều kiện hành nghề đấu giá, quyền và nghĩa vụ của tổ chức đấu giá tài sản; (2) tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá để thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá theo lộ trình phù hợp; (3) về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản đảm bảo phù hợp với thực tiễn, khả thi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản, người tham gia đấu giá, đồng thời tăng cường tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch, có tính đến một số loại tài sản đấu giá đặc thù; (4) về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

         Bố cục và nội dung cơ bản

         Dự thảo Luật gồm 2 Điều, trong đó Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi 30 điều, khoản) và Điều 2 hiệu lực thi hành.

         Các nội dung sửa đổi, bổ sung bao gồm:

         (1) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 4 về các loại tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá để bảo đảm phù hợp với tên gọi của luật chuyên ngành quy định về tài sản bán thông qua đấu giá, trong đó có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

         (2) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và bổ sung một số khoản của Điều 5 theo đó, sửa đổi quy định về giải thích từ ngữ về bước giá; bổ sung giải thích từ ngữ đối với Cổng đấu giá tài sản quốc gia, cuộc đấu giá, ngày làm việc, giờ hành chính đối với tổ chức đấu giá tài sản trong việc thực hiện việc niêm yết, thông báo công khai, bán, tiếp nhận hồ sơ, nộp tiền đặt trước, tổ chức cuộc đấu.

         (3) Sửa đổi, bổ sung Điều 6 về nguyên tắc đấu giá tài sản và Điều 9 về trường hợp không được đăng ký tham gia đấu giá để bảo đảm tính khách quan, minh bạch của hoạt động đấu giá tài sản.

         (4) Sửa đổi, bổ sung Điều 11 về đào tạo nghề đấu giá, Điều 12 về thời gian đào tạo nghề đấu giá theo hướng giảm thời gian đào tạo nghề đấu giá đối với một số đối tượng (luật sư, công chứng viên, thừa phát lại đã hành nghề một thời gian nhất định, người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, người có thời gian công tác trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp) thay thế việc miễn đào tạo nghề đấu giá như quy định hiện hành nhằm đảm bảo tất cả các đối tượng muốn trở thành đấu giá viên đều được trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng hành nghề phù hợp với nghề nghiệp; sửa đổi, bổ sung Điều 13, Điều 14, Điều 16 về thủ tục cấp Chứng chỉ hành nghề để trở thành đấu giá viên đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025.

         (5) Bổ sung quy định tại Điều 19 về trách nhiệm tham gia bồi dưỡng bắt buộc hàng năm đối với đội ngũ đấu giá viên để đảm bảo đội ngũ đấu giá viên được cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng hành nghề, góp phần nâng cao chất lượng của đội ngũ đấu giá viên trong hoạt động hành nghề (một số chức danh bổ trợ tư pháp khác đã có quy định về bồi dưỡng bắt buộc hàng năm như luật sư, công chứng, thừa phát lại); Điều 22 theo hướng đối với Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không bắt buộc là đấu giá viên (nhưng phải tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá) nhằm đảm bảo tính linh hoạt, khả thi, đáp ứng yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ theo quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

         (6) Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 23 về đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản, Điều 24 về quyền của tổ chức đấu giá tài sản trong việc cung cấp dịch vụ đấu giá cho cá nhân, tổ chức có tài sản thuộc sở hữu của mình theo quy định của pháp luật về dân sự; Điều 26, Điều 29 về thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá, chi nhánh doanh nghiệp đấu giá, việc chuyển đổi trụ sở hoạt động của doanh nghiệp đấu giá đảm bảo vừa đơn giản hóa thủ tục hành chính, vừa tăng cường quản lý nhà nước.

         (7) Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 34 về Quy chế cuộc đấu giá; Điều 35 về đấu giá theo thủ tục rút gọn, đảm bảo tỉnh chặt chẽ trong quá trình tổ chức việc đấu giá.

         (8) Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 38 về bán, tiếp nhận hồ sơ, thành phần hồ sơ, thời gian nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá theo hướng đảm bảo tính đồng bộ, khả thi trong việc người có tài sản thẩm tra hồ sơ, xác định năng lực, điều kiện của người tham gia đấu giá; bổ sung các trường hợp không được đăng ký tham gia đấu giá để tăng cường tính khách quan, minh bạch, bảo mật thông tin, tránh thông đồng, dìm giá; Điều 39 về việc nộp tiền đặt trước theo hướng đảm bảo phù hợp, đồng bộ với thời gian bán hồ sơ tham gia đấu giá và bổ sung trường hợp không được nhận lại tiền đặt trước khi trả giá vi phạm quy định pháp luật.

         (9) Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 40 về hình thức đấu giá trực tuyến, theo đó, trong trường hợp áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến thì tổ chức đấu giá tài sản sử dụng Trang thông tin đấu giá trực tuyến quốc gia hoặc Trang thông tin đấu giá trực tuyến của các tổ chức đấu giá tài sản; Điều 41 về hình thức đấu giá gián tiếp theo hướng rõ ràng, chặt chẽ, đảm bảo tính bảo mật, khách quan của việc gửi phiếu trả giá, công bố phiếu trả giá.

         (10) Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 47 về trách nhiệm của người có tài sản trong quá trình tổ chức đấu giá; Điều 52 về trường hợp đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham dự cuộc đấu giá, một người trả giá đối với tài sản công, tài sản là quyền sử dụng đất để đảm bảo phù hợp với quy định về bán tài sản công, quyền sử dụng đất của Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

         (11) Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 57 về thông báo công khai việc đấu giá theo hướng quy định thống nhất việc thông báo công khai việc đấu giá tài sản được thực hiện trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản (bỏ quy định về thông báo công khai trên báo in hoặc báo hình như quy định hiện hành) vừa đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của việc tiếp cận thông tin đấu giá vừa góp phần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý hoạt động đấu giá tài sản.

         (12) Bổ sung quy định tại Điều 59a về đấu giá đối với một số loại tài sản đặc thù bao gồm tài sản là quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, tài sản thi hành án dân sự, tài sản là quyền sử dụng tần số vô tuyến điện tài sản là quyền khai thác khoáng sản, theo đó, tiền đặt trước được nâng lên mức không quá ba mươi phần trăm giá khởi điểm của tài sản đấu giá (trong trường hợp chưa xác định được giá khởi điểm thì tiền đặt trước được xác định theo pháp luật chuyên ngành áp dụng đối với loại tài sản đó); thời gian bán hồ sơ tham gia đấu giá, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá cho đến trước ngày mở cuộc đấu giá không quá 10 ngày làm việc để đảm bảo việc thẩm tra, xét duyệt điều kiện của người tham gia đấu giá; bổ sung trình tự đấu giá đối với một số loại tài sản đặc thù nêu trên.

         (13) Quy định tại Điều 77a về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về đấu giá ở Trung ương trong việc xây dựng, quản lý và hướng dẫn sử dụng Cổng đấu giá tài sản quốc gia và trách nhiệm của tổ chức vận hành Cổng thông tin nhằm đảm bảo tính độc lập, khách quan, an toàn, bảo mật thông tin trong việc vận hành hệ thống; Điều 59a về chế tài xử lý đối với người tham gia đấu giá tron trường hợp không nộp hoặc nộp không đúng tiền trúng đấu giá.

         Vấn đề xin ý kiến

         Dự thảo Luật quy định người có tài sản và tổ chức đấu giá tài sản có thể thỏa thuận lựa chọn một trong bốn hình thức đấu giá để tổ chức việc đấu giá (hình thức đấu giá bằng lời nói, hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp, hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp và hình thức đấu giá trực tuyến). Theo đó, khi lựa chọn hình thức đấu giá trực tuyến các loại tài sản theo quy định tại Điều 4 Luật Đấu giá tài sản gồm tài sản công, tài sản thi hành án, tài sản giao dịch bảo đảm (tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá tại khoản 1 Điều 4) và tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá (tại khoản 2 Điều 4), tổ chức đấu giá tài sản có thể lựa chọn sử dụng Trang thông tin đấu giá trực tuyến quốc gia hoặc Trang thông tin đấu giá trực tuyến của các tổ chức đấu giá tài sản để tổ chức việc đấu giá tài sản nêu trên.[1]

         Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng đối với tài sản công, tài sản thi hành án, tài sản giao dịch bảo đảm (tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá) trong trường hợp được thực hiện bằng hình thức trực tuyến thì tổ chức đấu giá tài sản phải sử dụng Trang điện tử đấu giá trực tuyến quốc gia (thuộc Cổng đấu giá tài sản quốc gia) để tổ chức việc đấu giá. Đối với Trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản thì cho phép tổ chức đấu giá tài sản sử dụng để đấu giá các tài sản cho đến hết ngày 31/12/2030. Kể từ ngày 01/01/2031, Trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản chỉ được sử dụng để đấu giá tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá; trường hợp đấu giá trực tuyến tài sản công, tài sản thi hành án, tài sản giao dịch bảo đảm thì tổ chức đấu giá tài sản sử dụng Trang điện tử đấu giá trực tuyến quốc gia.

          Loại ý kiến này cho rằng việc quy định sử dụng Trang điện tử đấu giá trực tuyến quốc gia vừa đảm bảo tính thống nhất, tập trung, góp phần tiết kiệm nguồn tài nguyên cho các tổ chức đấu giá tài sản, địa phương, vừa đảm bảo tính khách quan, có sự kiểm soát chặt chẽ từ cơ quan quản lý nhà nước, tránh được nguy cơ can thiệp hệ thống từ phía các tổ chức đấu giá tài sản vì các Trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản hiện nay do chính tổ chức đấu giá tài sản xây dựng, vận hành và quản lý.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý Tại đây

 Lã Trang (t/h)

 


[1] Tính đến thời điểm hiện nay, trong cả nước đã có 11 tổ chức đấu giá tài sản được phê duyệt Trang thông tin đấu giá trực tuyến đủ điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến.

 

TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIAO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH CAO BẰNG
Thành phần của Cổng thông tin điện tử tỉnh Cao Bằng
Địa chỉ: Đường Bế Văn Đàn - Phường Hợp Giang - Thành phố Cao Bằng - Tỉnh Cao Bằng
Email: tuphap@caobang.gov.vn - Điện Thoại: (02063) - 852 443
Chịu trách nhiệm cổng thành phần: Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cao Bằng
Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử Cao Bằng (hoặc http://caobang.gov.vn) khi trích dẫn thông tin từ địa chỉ này.
ipv6 ready