Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 21
  • Hôm nay: 206
  • Trong tuần: 2 192
  • Tổng lượt truy cập: 53522
  • Tất cả: 531
Đăng nhập
Một số điểm mới đáng chú ý của Luật thanh tra năm 2022
Lượt xem: 90

 

 

anh tin bai

 Luật Thanh tra năm 2022 được Quốc hội thông qua ngày 14/11/2022; Luật có 08 chương và 118 Điều. Luật Thanh tra năm 2022 đã thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước và Hiến pháp năm 2013 về tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra và khắc phục những hạn chế, bất cập của các quy định pháp luật về thanh tra hiện nay. Luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2023.

So với quy định hiện hành, Luật Thanh tra năm 2022 có nhiều điểm mới quan trọng. Cụ thể:

          1. Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành

          Đây là điểm mới đáng chú ý trong Luật Thanh tra 2022. Theo đó, Luật Thanh tra năm 2022 cho phép thành lập thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ. Chính phủ xem xét việc thành lập cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộ Chính phủ; Việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục không được làm tăng số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của Tổng cục, Cục thuộc Bộ.

 Luật Thanh tra năm 2010 không quy định Thanh tra Tổng cục, Cục mà chỉ quy định Thanh tra chuyên ngành.

          2. UBND tỉnh có quyền thành lập Thanh tra sở

         Tại khoản 2 Điều 26 Luật Thanh tra 2022 quy định UBND cấp tỉnh được giao quyền chủ động thành lập thanh tra sở, và việc thành lập phải căn cứ theo luật định.

Luật Thanh tra năm 2010 quy định thanh tra sở được thành lập ở những sở thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc theo quy định của pháp luật.

          3. Quy định rõ thời gian ban hành kết luận thanh tra tại Luật Thanh tra 2022

          Đây là điểm mới để khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, góp phần khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra.

          Tại khoản 1 Điều 78 Luật Thanh tra 2022, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình.        

Luật Thanh tra 2010, chưa có quy định cụ thể về thời gian ban hành kết luận thanh tra mà chỉ nêu thời hạn công khai kết luận thanh tra trong 10 ngày (Điều 39 Luật Thanh tra 2010).

4. Thẩm định dự thảo kết luận thanh tra

Theo, Tại Điểm 1, Điều 77 Luật Thanh tra 2022 quy định việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra: “Dự thảo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, dự thảo kết luận thanh tra hành chính của Thanh tra Bộ và Thanh tra tỉnh phải được thẩm định trước khi ký ban hành. Việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ và Thanh tra tỉnh, dự thảo kết luận thanh tra của các cơ quan thanh tra khác được thực hiện khi cần thiết”. Theo đó, dự thảo Kết luận thanh tra hành chính thuộc Thanh tra Bộ bắt buộc phải thẩm định trước khi ký ban hành, còn đối với dự thảo kết luận thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ không bắt buộc phải thẩm định mà chỉ tiến hành thẩm định khi cần thiết.

Theo quy định của Luật Thanh tra 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành  (Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ Quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra) thì công tác thẩm định Dự thảo Kết luận thanh tra được thực hiện theo hướng dẫn tại 04 điều (từ điều 42 đến Điều 45). Theo đó, tất cả các dự thảo Kết luận thanh tra của các Đoàn thanh tra không phân biệt thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành đều bắt buộc phải được thẩm định ngoại trừ các Đoàn thanh tra do thanh tra huyện, thanh tra sở tiến hành được thực hiện khi cần thiết.

Như vậy so với Luật thanh tra 2010 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về hoạt động thanh tra, theo Luật thanh tra 2022, việc Thẩm định dự thảo kết luận thanh tra của hoạt động thanh tra chuyên ngành thuộc Thanh tra Bộ đã không còn là quy định bắt buộc mà chỉ tiến hành thẩm định khi cần thiết.

          5. Sự phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra

          Tại Chương VI,  Luật Thanh tra 2022, đã có sự quy định về sự phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra. Cụ thể, cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, cơ quan kiểm toán nhà nước và cơ quan điều tra có trách nhiệm phối hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra, góp phần phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trong quản lý nhà nước.

          Điểm mới này giúp xử lý các trường hợp bị chồng chéo, trùng lặp từ các khâu, các giai đoạn có mối quan hệ với nhau giữa hoạt động thanh tra, hoạt động kiểm toán nhà nước và hoạt động điều tra.

          6. Sửa đổi nội dung giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra

          Việc giám sát hoạt động động của Đoàn thanh tra đã được quy định cụ thể tại Điều 98 Luật Thanh tra 2022, bao gồm 03 nội dung ( giảm đi 01 nội dung giám sát so với tinh thần của Luật Thanh tra năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành). Cụ thể:  (i) Việc chấp hành các quy định của pháp luật về căn cứ, thẩm quyền và trình tự, thủ tục thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động thanh tra của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra; (iii) Việc chấp hành chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra; việc thực hiện quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra; việc chấp hành chế độ thông tin, báo cáo; (iii)Việc chấp hành quy định của pháp luật về các hành vi bị nghiêm cấm của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra; việc tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong hoạt động của Đoàn thanh tra.

Luật Thanh tra năm 2010 không quy định giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra thành một chế định riêng, mà chỉ quy định có tính nguyên tắc trách nhiệm của Người ra quyết định thanh tra chỉ đạo, kiểm tra, giám sát Đoàn thanh tra thực hiện đúng nội dung quyết định thanh tra. Các nội dung giám sát được cụ thể hóa tại Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra (gồm 04 nội dung). Cụ thể: (1) Việc chấp hành các quy định của pháp luật về căn cứ, thẩm quyền và trình tự, thủ tục thực hiện các quyền, nghĩa vụ trong hoạt động thanh tra của Trưởng đoàn thanh tra và các thành viên Đoàn thanh tra; (2) Việc chấp hành chỉ đạo của Người ra quyết định thanh tra và việc thực hiện Quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra, việc chấp hành chế độ thông tin, báo cáo và các yêu cầu khác của cuộc thanh tra; (3) Việc tuân thủ chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử của cán bộ thanh tra và các quy định của pháp luật về những hành vi bị nghiêm cấm của Trưởng đoàn thanh tra và các thành viên Đoàn thanh tra; (4) Nội dung khác khi được Người ra quyết định thanh tra giao.

7. Không còn chế định thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra

Luật Thanh tra năm 2022 bỏ quy định về thanh tra nhân dân. Theo đó, chế định thanh tra nhân dân được tách ra khỏi nội dung Luật Thanh tra năm 2022 và đã được điều chỉnh tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội thông qua cùng với Luật Thanh tra năm 2022; theo đó, hoạt động thanh tra nhà nước mang tính quyền lực nhà nước, về bản chất khác với hoạt động của Ban thanh tra nhân dân là một trong những thiết chế để thực hiện quyền giám sát của Nhân dân ở cơ sở.

Tại Luật Thanh tra 2010, chế định thanh tra nhân dân được quy định tại một chương cụ thể (Chương VI) với 10 Điều luật liên quan.

 

   Nguyễn Trang (t/h)

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIAO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH CAO BẰNG
Thành phần của Cổng thông tin điện tử tỉnh Cao Bằng
Địa chỉ: Đường Bế Văn Đàn - Phường Hợp Giang - Thành phố Cao Bằng - Tỉnh Cao Bằng
Email: tuphap@caobang.gov.vn - Điện Thoại: (02063) - 852 443
Chịu trách nhiệm cổng thành phần: Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cao Bằng
Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử Cao Bằng (hoặc http://caobang.gov.vn) khi trích dẫn thông tin từ địa chỉ này.
ipv6 ready