Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
“Gỡ” việc khó ngay từ cơ sở
Lượt xem: 149

Tại các xóm và tổ dân phố ở ba tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, các tổ hòa giải cơ sở đã phát huy tốt vai trò, “nước gần cứu lửa gần” hòa giải thành công nhiều vụ tranh chấp đất đai, mâu thuẫn gia đình, mất an ninh trật tự cơ sở và tham gia tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng phục vụ các công trình, dự án.

anh tin bai

Hội thi hòa giải viên giỏi tỉnh Cao Bằng.

Từ thực tiễn những đóng góp tích cực của các tổ hòa giải cơ sở trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-trật tự đòi hỏi tiếp tục có giải pháp đồng bộ để khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng và hiệu quả hòa giải ở cơ sở.

Gần gũi, thấu hiểu, đạt tình, đạt lý

Tổ dân phố Mãn Chiêm, phường Hồng Tiến, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên có nhiều khu tái định cư, gần Khu công nghiệp Điềm Thụy, có hơn 300 gia đình, gần 1.300 người. Nhiều năm nay, Tổ dân phố giữ vững được tình làng nghĩa xóm, gia đình hài hòa, hạnh phúc và gần như không có đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Nguyên nhân do các vấn đề phát sinh, mâu thuẫn, mất đoàn kết được phát hiện sớm, hòa giải ổn thỏa.

Ông Hà Văn Chăm, Tổ trưởng dân phố Mãn Chiêm kiêm Tổ trưởng tổ hòa giải chia sẻ, gần đây, chúng tôi hòa giải thành công mâu thuẫn trong một gia đình, người chồng thường xuyên rượu chè bê tha, bỏ bê lao động, không chăm lo gia đình; người vợ thất vọng, chán chường, đã cãi vã, đòi ly hôn. Thành viên Tổ hòa giải kiên trì, nhiều lần hòa giải, phân tích, nhắc nhở người chồng giảm rượu bia, chịu khó làm ăn, đến nay, gia đình đã hòa hợp, êm ấm trở lại.

Tại Xóm 7, xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, gia đình ông Nguyễn Văn Hà và Lưu Văn Quyên phát sinh tranh chấp đất đai, mâu thuẫn gay gắt. Nắm bắt tình hình, Bí thư Chi bộ Xóm 7, La Văn Khoát và các thành viên trong Tổ hòa giải Xóm 7 và hai gia đình họp, nghe ý kiến các bên và căn cứ văn bản pháp lý, đề ra phương án “thấu tình, đạt lý”, nên tranh chấp đất đai đã được giải quyết, mâu thuẫn được hóa giải, tình làng nghĩa xóm được vãn hồi.

Tại xã Chu Trinh, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng đang triển khai, thực hiện nhiều công trình, dự án, đất đai tăng giá, trên địa bàn xuất hiện một số vụ tranh chấp đất đai giữa các gia đình. Các Tổ hòa giải cơ sở nhanh chóng vào cuộc, tuyên truyền, vận động, giải thích căn cứ và giải quyết hài hòa, nhanh chóng “gỡ” những mâu thuẫn, tranh chấp, tiềm ẩn mất an ninh-trật tự ngay từ cơ sở.

Đồng chí Nông Thị Huyên, Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng hòa giải Xóm 2 cho biết, từ năm 2022 đến nay, Tổ hòa giải đã hòa giải thành công 5/6 vụ tranh chấp đất đai. Đơn cử như vụ việc gia đình ông V.V.T. và ông T.C.T. tranh chấp đất. Gia đình ông T.C.T. chặt cây, rào đường và nhổ cây trồng của gia đình ông V.V.T. Sau khi Tổ hòa giải vào cuộc, phân tích, hướng dẫn dựa trên các văn bản pháp lý do Ủy ban nhân dân xã Chu Trinh cung cấp, hai gia đình đã hiểu và đồng thuận theo phương án phân chia đất được đưa ra.

Chia sẻ kỷ niệm trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, đồng chí Nông Thị Huyên, Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng hòa giải Xóm 2 cho biết, mỗi vụ việc hòa giải thành công, từng thành viên hòa giải đều phấn chấn, vui vẻ. Tháng 12/2022, cuộc hòa giải tranh chấp đất rừng giữa người dân Xóm 1 và Xóm 2 diễn ra từ 8 giờ sáng, kéo dài đến 3 giờ chiều, mọi người đều đói “hoa cả mắt” nhưng vẫn tập trung thuyết phục nhằm giải quyết mâu thuẫn.

Đến nay, tại mỗi xóm, tổ dân phố ở ba tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn và Cao Bằng đều đã thành lập Tổ hòa giải, với số lượng thành viên 5 đến 7 người/tổ. Thành viên Tổ gồm các đồng chí bí thư chi bộ, trưởng xóm, thôn, tổ dân phố, trưởng các đoàn thể và người có uy tín ở khu dân cư, do người dân bầu.

Theo thống kê, từ năm 2019 đến nay, tại tỉnh Bắc Kạn, các Tổ hòa giải thành công 1.532 trên tổng số 2.032 vụ việc, bằng 75,5%. Tại Cao Bằng, các Tổ hòa giải thành công 2.767 trên tổng số 4.178 vụ việc, bằng 66%. Tại tỉnh Thái Nguyên, trong năm 2022, các tổ đã hòa giải thành công 964 trên tổng số 1.016 vụ việc, bằng 94%.

Đồng chí Đàm Việt Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Chu Trinh, thành phố Cao Bằng chia sẻ, không chỉ tham gia hòa giải thành công các mâu thuẫn, tranh chấp đất đai, các Tổ hòa giải cơ sở còn tích cực tham gia tuyên truyền, vận động, phân tích, đóng góp hiệu quả trong nhiệm vụ giải phóng mặt bằng thực hiện sáu dự án, với hơn 100ha đất cần giải phóng trên địa bàn. Đơn cử, dự án xây dựng Trạm biến áp 110kV, tại Xóm 1, có 10 gia đình với 4.800m2 đất cần giải phóng mặt bằng.

Tổ hòa giải Xóm 1 đã đến từng nhà, tuyên truyền, giải thích. Qua đó, công tác giải phóng mặt bằng thực hiện thuận lợi. Hỗ trợ, động viên các Tổ hòa giải, Ủy ban nhân dân xã Chu Trinh thông qua khoản chi tại kỳ họp Hội đồng nhân dân xã, hỗ trợ 5 triệu đồng/năm cho các Tổ hòa giải cơ sở tại địa bàn.

Cần tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Nguyên Đàm Quang Tuyến, kinh tế-xã hội ngày càng phát triển, nhất là các địa phương trong tỉnh có nhiều khu, cụm công nghiệp, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, thương mại, dịch vụ sôi động kéo theo nhiều vụ việc, mâu thuẫn phát sinh tại khu dân cư, thậm chí xảy ra tranh chấp đất đai, mâu thuẫn ngay trong nội bộ gia đình, dòng họ.

Với sự hoạt động tích cực, hiệu quả của Tổ hòa giải ở thôn, xóm, tổ dân phố đã góp phần tích cực củng cố đoàn kết ở cộng đồng dân cư, giữ vững an ninh, hạn chế phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo, giảm áp lực cho các cơ quan chức năng, tạo thuận lợi để các địa phương triển khai các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Để nâng cao chất lượng công tác hòa giải, ngành tư pháp cần tăng cường tập huấn nghiệp vụ hòa giải, kiến thức pháp luật, cấp phát miễn phí tài liệu; đồng thời, tổ chức tham quan, học tập nhân rộng mô hình hòa giải cơ sở hoạt động hiệu quả, tăng kinh phí hỗ trợ để phát huy tốt hơn vai trò Tổ hòa giải ở cơ sở.

Từ năm 2019 đến nay, Bắc Kạn và Cao Bằng đã triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở”. Theo đó, Sở Tư pháp hai tỉnh đã biên soạn, cấp phát “Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ công tác hòa giải ở cơ sở” đến các Tổ hòa giải. Đồng thời, ứng dụng chuyển đổi số, cập nhật thông tin nghiệp vụ, hoạt động hòa giải trên Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh và Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp.

Đơn vị chức năng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên. Sở Tư pháp tỉnh Cao Bằng ban hành công văn hướng dẫn, đôn đốc ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn về việc lập dự toán và quyết toán ngân sách chi cho công tác hòa giải cơ sở.

Tuy nhiên, hoạt động của các Tổ hòa giải ở ba địa phương còn hạn chế, năng lực của nhiều hòa giải viên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, ảnh hưởng đến hiệu quả và kết quả hòa giải. Ủy ban nhân dân nhiều xã, phường, thị trấn chưa quan tâm lập dự toán, quyết toán ngân sách chi hỗ trợ, động viên đội ngũ hòa giải viên, gặp thiệt thòi quyền lợi. Đồng chí Nông Thị Huyên, Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng hòa giải Xóm 2, xã Chu Trinh, thành phố Cao Bằng kiến nghị, cơ quan tư pháp cần tăng cường tham mưu, phối hợp tăng cường tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên sát với yêu cầu nhiệm vụ.

Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Kạn Hà Thị Đào khẳng định, công tác hòa giải đã góp phần quan trọng giúp hạn chế khiếu kiện từ cơ sở. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường tập huấn cho các hòa giải viên; đồng thời, sẽ tổ chức hội thi hòa giải viên giỏi để các tổ hòa giải và hòa giải viên có dịp học hỏi lẫn nhau, nâng cao chất lượng hoạt động. Về lâu dài, Bắc Kạn kiến nghị Trung ương, trong giai đoạn mới quan tâm bố trí thêm kinh phí hỗ trợ hoặc có các hoạt động chỉ đạo điểm, xây dựng mô hình điểm về hòa giải cơ sở đối với những địa phương chưa tự cân đối được kinh phí như tỉnh Bắc Kạn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng, Hoàng Xuân Ánh cho biết, tỉnh đánh giá cao hiệu quả và đóng góp của hoạt động hòa giải tại cơ sở. Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo ngành Tư pháp địa phương đổi mới, nâng cao hiệu quả tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức hòa giải cho các hòa giải viên. Đồng thời, tỉnh phối hợp hướng dẫn, đôn đốc Ủy ban nhân dân các huyện, các xã quan tâm lập dự toán và quyết toán ngân sách cho hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định; quan tâm khen thưởng, động viên các Tổ hòa giải, hòa giải viên năng động, tích cực, xuất sắc có nhiều đóng góp.

Theo: nhandan.vn

TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN GIAO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH CAO BẰNG
Thành phần của Cổng thông tin điện tử tỉnh Cao Bằng
Địa chỉ: Đường Bế Văn Đàn - Phường Hợp Giang - Thành phố Cao Bằng - Tỉnh Cao Bằng
Email: tuphap@caobang.gov.vn - Điện Thoại: (02063) - 852 443
Chịu trách nhiệm cổng thành phần: Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cao Bằng
Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử Cao Bằng (hoặc http://caobang.gov.vn) khi trích dẫn thông tin từ địa chỉ này.
ipv6 ready